ỗi Nhục
Như mọi cuốn sách của Annie Ernaux, “Nỗi Nhục” được viết nên bằng rất nhiều nỗi ngượng ngùng, nhưng cũng rất nhiều sự thật. Đó là vào mùa hè năm 1952, cái mùa hè xảy ra một sự kiện khiến Annie Ernaux, khi ấy mới là thiếu nữ, bắt đầu cảm thấy một nỗi nhục, về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ, thông qua câu mở đầu đầy bất ngờ: “Bố tôi đã định giết mẹ tôi vào đầu buổi chiều một Chủ nhật tháng Sáu.”
Đan xen giữa hồi ức và những suy tư về chuyện viết lách, Annie Ernaux đưa tới độc giả một lời chứng thật đẹp về mùa hè đã thay đổi cuộc đời mình, khi cô thiếu nữ bắt đầu ý thức được ánh mắt người khác đối với xuất thân của mình và khi cái nhìn của chính cô về cha mẹ mình cũng đã thay đổi.
Thông tin tác giả Annie Ernaux
Sinh năm 1940 tại Lillebone (Seine-Maritime). Bà có xuất thân khá khiêm tốn, bố mẹ bà ban đầu là công nhân rồi trở thành tiểu thương, điều ấy không ngăn Annie hy vọng đạt được thành công trong xã hội. Tuổi thơ của bà diễn ra ở Normandie, sau đó bà học đại học tại Rouen và trở thành giáo viên dạy văn học.
Năm 1974, bà xuất bản tác phẩm đầu tay Les armoires vides (Những ngăn kéo rỗng) kể về lần phá thai chui của bản thân vào năm 1964. Năm 1983, bà xuất bản Một chỗ trong đời, kể về cuộc đời của cha mình, và cuốn sách đã đoạt giải Renaudot. Năm 2008, bà xuất bản Les années (Những năm tháng), một tác phẩm được coi là hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức của thể loại hồi ức tập thể của bà.
Sau các sáng tác thuần hư cấu, bà dấn thân vào thể loại tự truyện từ những năm 80 của thế kỷ 20. Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều được bà chọn kể lại trong một tác phẩm. Các tác phẩm của bà được viết theo phong cách trung tính, khách quan, không phán xét, không ẩn dụ, không so sánh mơ mộng. Trong suốt sự nghiệp, Annie Ernaux đã được trao rất nhiều giải thưởng: giải Renaudot (1984), giải thưởng về ngôn ngữ Pháp, giải François Mauriac (2008), giải Marguerite Youcenar (2017)… và đặc biệt, giải Nobel Văn chương (2022) vì “với lòng can đảm cùng sự nhạy bén bên trong, bà đã khám phá ra những cội rễ, những cách biệt và những câu thúc tập thể của hồi ức cá nhân”.