CÂU CHUYỆN NGÔN NGỮ - Khám phá vẻ đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ

Người đăng: Thành Trung | 24/05/2023

'Câu chuyện ngôn ngữ', tác phẩm của nhà ngôn ngữ học David Crystal, vừa được xuất bản bởi Nhã Nam, là cuốn sách đầy hấp dẫn khám phá từng khía cạnh của ngôn ngữ, từ những tiếng bập bẹ của em bé đến hiện tượng ngôn ngữ mạng trong thời gian gần đây.

Với cách viết cuốn hút, sáng rõ và lồng ghép những ví dụ gần gũi và hài hước, David Crystal dẫn dắt người đọc bước vào hành trình khám phá sự phát triển của ngôn ngữ trong cuộc sống cá nhân và cả lịch sử văn minh nhân loại. Cuốn sách mang đến một tinh thần rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp cận cho người không chuyên, đồng thời cũng là cẩm nang hoàn hảo để khám phá chủ đề này đối với những người có sự quan tâm.

Trong cuốn sách này, tác giả giới thiệu và giải thích một cách trực quan và dễ hiểu những khái niệm cơ bản về ngôn ngữ. Cuốn sách được chia thành 40 chương, và ở những chương đầu tiên, David Crystal chỉ ra cách con người từng bước phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ, từ lúc mới sinh cho đến khi chỉ mới vài tháng tuổi, từ những tiếng khóc oa oa - ngôn ngữ sơ khởi của em bé, cho đến khi học được ngữ điệu của tiếng mẹ đẻ và những từ đầu tiên trong cuộc sống.

Trong cuốn sách, thông qua những câu chuyện của David Crystal, người đọc sẽ nhanh chóng tiếp thu những kiến thức thú vị về ngôn ngữ học, khiến chúng ta ngạc nhiên trước những khía cạnh hấp dẫn của ngôn ngữ.

Ví dụ, bạn có biết rằng hiện nay có những từ ngữ mang nghĩa hoàn toàn khác so với nghĩa ban đầu của chúng? Sự biến đổi nghĩa là một trong những đề tài được nghiên cứu trong ngành Từ nguyên học - lĩnh vực tìm hiểu về lịch sử và nguồn gốc của từ ngữ. Đây cũng là một chủ đề nghiên cứu đầy bất ngờ.

Ví dụ, từ "nice" trong tiếng Anh khi được sử dụng lần đầu vào thế kỷ 14 có nghĩa là "ngốc nghếch" hoặc "ngu dốt". Sau đó, nó phát triển thêm một số nghĩa tiêu cực như "khoe mẽ", "kiểu cách" hoặc "lười biếng". Tuy nhiên, dần dần, từ này cũng phát triển nhiều nghĩa tích cực, như "dễ chịu", "thoải mái", "tốt bụng" hay "cuốn hút", và đó là nghĩa mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Những học giả nghiên cứu những vấn đề này được gọi là nhà từ nguyên học, và đây là một trong những khía cạnh của ngôn ngữ mà lĩnh vực ngôn ngữ học đang tìm hiểu. Song song với sự phát triển lịch sử của loài người, có những ngôn ngữ đang dần biến mất, có những ngôn ngữ đã trở thành ngôn ngữ đã mất và có những ngôn ngữ đang thay đổi nhanh chóng, đến mức các thế hệ sống cùng một nhà có thể sử dụng ngôn ngữ theo các cách rất khác nhau.

Cuốn sách tiếp tục kể những câu chuyện sinh động về ngôn ngữ, nhẹ nhàng mà đầy tính giáo dục. Đó là câu chuyện về những ngôn ngữ đã biến mất, những ngôn ngữ chỉ được tộc người thiểu số sử dụng, những câu chuyện về cách ngôn ngữ giúp xây dựng mối quan hệ và đồng thời cũng phá vỡ chúng, và thậm chí còn kể về những khó khăn mà một số người gặp phải khi sử dụng ngôn ngữ.

Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng ngôn ngữ cũng là một trong những cách phân biệt giai cấp xã hội. Ví dụ, trong quá khứ ở Anh, sự phân cấp xã hội rất rõ rệt và chỉ cần một từ đơn giản cũng đủ để người nghe nhận biết tầng lớp của người nói. Khi nhắc đến giấy vệ sinh, người thượng lưu sẽ dùng từ "lavatory paper" thay vì "toilet paper" như người thường. Tương tự, khi nhắc đến "bữa tối", "gương" và "rau", người thượng lưu sẽ dùng "luncheon", "looking glass" và "vegetables", trong khi tầng lớp bình dân sẽ dùng "dinner", "mirror" và "greens". Những khác biệt như thế này vẫn còn tồn tại ngày nay, mặc dù không còn rõ ràng như trước do sự mờ dần của phân cấp xã hội.

Ngôn ngữ cũng được sử dụng để đặt tên địa danh và tên người, và cũng có một lịch sử thú vị. Ví dụ, nếu quay ngược lại 1000 năm trước ở Anh, ta chỉ thấy người ta có tên riêng, và họ và tên đầy đủ chỉ bắt đầu phát triển trong thời kỳ Trung Cổ, khi người ta bắt đầu nói "Edwin Baker" (Edwin thợ làm bánh) hoặc "Edwin Derby" (Edwin của vùng Derby) để phân biệt những người cùng tên. Điều này cũng giải thích tại sao có rất nhiều họ mang nghĩa nghề nghiệp, như "Potter" (người làm gốm), "Smith" (thợ rèn) hoặc họ "Shakespeare" trong "William Shakespeare" có nghĩa là "anh lính cầm ngọn giáo".

Việc thành thạo ngôn ngữ và hiểu rõ tác động mà ngôn ngữ có thể có là rất quan trọng trong cuộc sống giao tiếp của con người. Để làm điều đó, trước hết chúng ta cần hiểu rõ bản chất thực sự của ngôn ngữ và những yếu tố tạo nên nó. Đó cũng là lý do cuốn sách này ra đời. David Crystal, với kinh nghiệm và lòng nhiệt thành của một nhà ngôn ngữ học, dẫn dắt người đọc khám phá vẻ đẹp của một lĩnh vực quan trọng nhưng không kém phần thú vị trong nền văn minh loài người.

Đặt sách tại đây

 

Thảo luận về chủ đề này