Tự do là điều mà con người luôn tìm kiếm. Theo Osho, khi bạn được sống đúng với bản thân và không bị tác động bởi người khác hay tôn giáo nào, bạn mới đạt được tự do toàn vẹn. Tuy nhiên, con đường đến tự do đầy những câu hỏi và sự hồ nghi, và chỉ khi hiểu được bản thân, khám phá cách vận hành của thế giới, bạn mới đạt được tự do. Cuốn sách "Hiểu - Đường đến tự do" của Osho cho chúng ta góc nhìn mới về chủ đề này. Trong đó, bậc thầy tâm linh khẳng định bước đầu tiên để hiểu là phải biết nghi ngờ, chất vấn và đặt câu hỏi về tất cả những điều mà chúng ta đã được dạy phải tin.
Osho cũng cho rằng cả đời ta đều được trao cho "sự thật" và phải học cách tin tuyệt đối, không nghi ngờ, không thắc mắc. Do đó, tâm trí ta đầy những kiến thức, niềm tin, định kiến của người khác thay vì những gì ta trải nghiệm và đúc kết. Tâm trí của ta được tạo ra bởi xã hội mà ta sống, bởi tôn giáo, ý thức hệ, hệ thống giáo dục... và những điều này che kín bầu trời tâm trí của ta, khiến ta không còn thấy được sắc xanh trong trẻo vốn có của nó và đánh mất sự hiểu biết của mình, đồng thời đánh mất tự do.
Theo Osho, để hiểu, chúng ta cần thôi bám víu vào ý nghĩ, nội dung kinh sách, lý thuyết, tín điều, học thuyết và nới lỏng tay cầm, buông chúng ra. Khi đó, ta mới nhìn thấy được sự trong trẻo tinh khôi của bầu trời, sự mênh mông vô tận của bầu trời. Cuốn sách còn tái hiện phép ẩn dụ “lạc đà, sư tử và đứa trẻ” của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche để mô tả ba giai đoạn chuyển hóa của linh hồn trong hành trình tìm kiếm sự hiểu biết đích thực.